Khởi Nghiệp Tinh Gọn hay Lean Startup ngày nay gắn liền với những mô hình kinh doanh mới, sáng tạo và phát triển đột phá như Uber, Amazon. Thành quả này khiến nhiều chủ doanh nghiệp đặt câu hỏi: Làm thế nào để hiện thực hóa những sáng tạo được như vậy? Họ quản trị rủi ro như thế nào với tốc độ tăng trưởng hơn 3 con số % mỗi năm?
Bài viết này sẽ giúp bạn đọc nhìn thấu được nguyên nhân của sự tăng trưởng thần kỳ đó. Biết cách học và ứng dụng những điểm mạnh của phương pháp này. Từ đó, tìm ra thị trường mới, một đại dương xanh, hoặc đè bẹp đối thủ như cách Uber và Grab làm với taxi truyền thống?
Chúng ta luôn có câu khẩu hiệu “Khách hàng là thượng đế”. Nhưng chúng ta đã xây dựng toàn bộ doanh nghiệp của mình để tạo ra giá trị và làm hài lòng khách hàng? Hay chỉ đang làm hài lòng ông bà chủ? Chúng ta từng tốn hàng tỷ đồng phát triển một dòng sản phẩm hay tính năng sản phẩm mà khách hàng không mua?
Năm 2005, lần đầu tiên Steve Blank giới thiệu trong cuốn sách của mình về quá trình khám phá khách hàng – một nền tảng của Lean Startup. Mục tiêu là hiểu và nhận thức vấn đề của khách hàng càng sớm càng tốt trong chu kỳ phát triển sản phẩm – dịch vụ. Gồm các bước:
Bước 1. Khám phá khách hàng: Phép thử những giả định về vấn đề khách hàng đang gặp phải. Liệu họ có hứng thú với giải pháp mới và cách chúng ta kinh doanh dựa trên giải pháp đó?
Bước 2. Xác nhận khách hàng: Kiểm tra tính khả thi của mô hình kinh doanh thông qua một phễu thu hút và chuyển hóa khách hàng – một công thức được kiểm chứng. Khám phá và kiểm chứng khách hàng hòa quyện với nhau trong Mô Hình Kinh Doanh.
Bước 3. Tạo ra khách hàng: Là quá trình nhân rộng tập khách hàng, tạo ra nhu cầu và hút khách hàng về các kênh phân phối của doanh nghiệp.
Bước 4. Xây dựng hệ thống và các quy trình để chuẩn hóa các hoạt động vận hành của công ty.
Trong quá trình này, bạn thấy những từ quan trọng như phép thử, kiểm tra, xác nhận, …giống với Sản Xuất Tinh Gọn – Lean Manufacturing bắt nguồn từ Toyota. Từ đó, Sản Xuất Tinh Gọn và các quan điểm về Khám Phá Khách Hàng của Steve Blank trở thành nền móng cho Khởi Nghiệp Tinh Gọn.
Nguyên tắc chính của Lean nằm ở việc loại bỏ tất cả những lãng phí. Và chờ đợi để tập trung toàn bộ nguồn lực vào những việc tạo ra giá trị – những gì khách hàng đồng ý trả tiền cho:
– Chất lượng: Những gì giải quyết đúng nhu cầu và vấn đề họ đang gặp phải.
– Tiến độ: Đúng thời điểm họ cần.
– Số lượng: Đúng số lượng họ cần.
Hệ thống Lean cũng dựa trên nền tảng giải quyết vấn đề và liên tục cải tiến PDCA của Deming:
– Plan: Thấu hiểu thực trạng và vấn đề. Tìm nguyên nhân gốc rễ, phát triển giải pháp, kế hoạch hành động như một giả định.
– Do: Triển khai phép thử, một thí nghiệm khoa học để kiểm chứng lại giả định ở bước Plan.
– Check: Đo lường, kiểm tra kết quả của phép thử.
– Adjust: Điều chỉnh để ra được một giải pháp mới, tiếp tục thử và học hỏi.
Khởi Nghiệp Tinh Gọn dựa trên nền tảng bao gồm 4 yếu tố chính của Deming: Lập Kế hoạch – Triển khai – Kiểm tra – Đo lường.
Với phương pháp này, chúng ta có khả năng tự giải quyết vấn đề theo cách khoa học nhất. Nhờ đó, doanh nghiệp thích ứng với mọi sự thay đổi của môi trường bên ngoài như loài thằn lằn hàng trăm triệu năm tuổi.
Những phép thử nhỏ được làm một cách hệ thống này cũng được nhắc đến trong một cuốn sách nổi tiếng của Jim Collins – Xây Dựng Để Trường Tồn. Những công ty trường tồn đã bắn loạt đạn nhỏ để thăm dò thị trường, giảm thiểu rủi ro trước khi dốc toàn lực vào 1 viên đạn lớn.
Trong cuốn sách Khởi Nghiệp Tinh Gọn – Eric Ries giới thiệu một cách ngắn gọn và tối ưu hóa quá trình phát triển sản phẩm, để biết được mô hình kinh doanh mới đó có thực sự khả thi. Phương pháp này bao gồm các vòng lặp và liên tục phát triển:
– Ý tưởng: Quan sát và liên tục hỏi câu hỏi tại sao để hiểu vấn đề của khách hàng và giải pháp dành cho họ.
– Xây dựng sản phẩm khả thi tối thiểu (Minimum Viable Product hay MVP): Một sản phẩm mới với chức năng tối thiểu nhưng đủ để nhận phản hồi từ khách hàng. Mục tiêu là học phí càng ít càng tốt, và học càng nhanh, càng nhiều càng tốt.
– Đo lường: Đo lường các chỉ số quan trọng, hỗ trợ đưa ra các quyết định và hành động sau đó. Đây cũng là điểm nhiều doanh nghiệp va vấp khi đo các KPI mà không giúp gì cho việc ra quyết định.
– Học hỏi: Đây là sự khác biệt lớn nhất giữa Lean Startup và các mô hình kinh doanh thông thường. Những bài học là điều quan trọng nhất vì chúng được lồng vào những vòng phát triển sản phẩm và phép thử tiếp theo.
– Những bước trên được lặp đi lặp lại cho đến Điểm Bản Lề – Pivot point. Khi mà doanh nghiệp phải đưa ra quyết định dựa trên các chỉ số hành động là tiếp tục phát triển hay chuyển hướng.
Khởi Nghiệp Tinh Gọn là vòng lặp liên tục phát phiển.
Phương pháp này giúp giới hạn các nguồn lực dành cho 1 sản phẩm, dịch vụ để biết được thị trường có chấp nhận nó hay không. Ví dụ: Sản phẩm bàn chải đánh răng không cần dùng đến tay trong vòng 1 năm, với kinh phí 1 tỷ đồng. Nếu không thành công, chúng ta chỉ mất đi những nguồn lực được giới hạn sẵn, và tạo động lực cho team phát triển tận dụng mọi sự sáng tạo và nguồn lực họ có.
Câu hỏi mà tôi thường gặp: Khởi Nghiệp Tinh Gọn thường được ứng dụng cho doanh nghiệp công nghệ, thương mại điện tử với Big Data, Artificial Intelligence (Trí tuệ nhân tạo) Vậy doanh nghiệp B2B – tức doanh nghiệp có khách hàng là doanh nghiệp, có số lượng khách hàng nhỏ thì sao?
Câu trả lời của tôi khiến nhiều người bất ngờ: Càng tuyệt vời vì bớt đi 1 lớp “phiên dịch”.
Những mô hình thương mại điện tử có 1 lượng lớn dữ liệu thô về hành vi của người dùng như view, click chuột, like … Sau đó, họ dùng các thuật toán hay trí tuệ nhân tạo để chuyển đổi dữ liệu này về thông tin để ra quyết định. Trong mô hình B2B, chúng ta xây dựng được mối quan hệ cá nhân với khách hàng. Do đó, bạn có thể hỏi ý kiến họ trực tiếp về sản phẩm và dịch vụ.
Một phương pháp mà chúng tôi thường dùng để hiểu rõ hơn về vấn đề và nhu cầu của khách hàng mang tên Focus Group Discussion – Thảo Luận Nhóm Tập Trung. Khi chúng ta có một nhóm nhỏ khách hàng (từ 3 trở lên) là đã có thể làm được. Khách hàng được phân theo nhóm với đặc điểm chung, trải nghiệm thử sản phẩm của công ty và được phỏng vấn bởi người có chuyên môn.
Với những câu hỏi mở: “Bạn thấy tính năng này của sản phẩm thế nào?”. Thay vì câu hỏi dẫn dắt “Bạn có thích tính năng của sản phẩm này không?”. Phỏng vấn viên sẽ tiếp tục hỏi dựa trên câu trả lời để hiểu hơn trải nghiệm của khách hàng. Điều mà thông thường chúng ta không thể biết được nếu chỉ dựa vào dữ liệu thô như lượt like hay số sao.
Trong cuốn How The Mighty Fall, Jim Collins có đề cập tới những lý do công ty lớn mạnh một thời lại đi xuống, chủ yếu có 5 giai đoạn chúng ta từng thấy ở các doanh nghiệp vang bóng một thời:
– Giai đoạn 1: Ngạo mạn sau thành công
– Giai đoạn 2: Mở rộng vô kỉ luật, đầu tư dàn trải vào những mảng không có lợi thế cạnh tranh
– Giai đoạn 3: Phủ nhận những nguy hiểm
– Giai đoạn 4: Cố gắng cứu vãn
– Giai đoạn 5: Bị loại khỏi cuộc chơi và biến mất
Bằng cách tích hợp Lean trong từng tế bào của doanh nghiệp, chúng ta có thể hoàn toàn tránh được những bước rơi rụng này:
Chúng ta sẽ tận dụng những bài học về Khởi Nghiệp Tinh Gọn để vừa có sức chịu đòn bền bỉ, vừa nhanh nhẹn, linh hoạt thích ứng với tốc độ thay đổi của thời cuộc.
Để giải đáp các câu hỏi này, bạn có thể tìm đọc thêm những bài viết khác về Lean tại opexvn.com. Hoặc liên hệ với Lê Bang Đức để được tư vấn cụ thể cho trường hợp của doanh nghiệp mình.
Doanh nghiệp là đứa con tinh thần của chúng ta. Nó cùng ta trải qua bao niềm vui và nỗi buồn. Nó xuất hiện trong giấc mơ mỗi đêm và là tiếng chuông báo thức mỗi sáng. Nếu cho nó thêm vài chục phần trăm cơ hội sống, lớn mạnh và trường tồn, bạn có bước thêm 1 bước?
Lê Bang Đức
Chuyên gia Lean – Sản xuất tinh gọn.